Về yếu tố lỗi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Câu hỏi 

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, lỗi có phải là yếu tố bắt buộc không? Có quan điểm cho rằng tùy trường hợp mà yêu cầu có lỗi hoặc không có lỗi từ chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Quan điểm của luật gia là như thế nào? (Xin luật gia cho một vài ví dụ dẫn chứng).

Trả lời

Đối với câu hỏi này, Luật gia, ThS. Huỳnh Thị Nam Hải (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có mấy trao đổi như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLDS 2015), người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo quy định nêu trên thì để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần thỏa mãn đồng thời ba điều kiện sau: 1) có thiệt hại xảy ra; 2) hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; 3) tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Như vậy, yếu tố lỗi không được đề cập như là một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trong các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không đề cập đến yếu tố lỗi. Đây là điểm khác giữa quy định của BLDS 2015 so với Bộ luật dân sự trước đây.

Tuy nhiên, cần lưu rằng yếu tố lỗi không hoàn toàn biến mất trong việc quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại sẽ mặc định bị xem là có lỗi. Do đó, người gây thiệt hại để thoát khỏi trách nhiệm bồi thường phải chứng minh rằng thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (Khoản 2, Điều 584 BLDS 2015), tức là họ không có lỗi trong việc gây thiệt hại. Nói cách khác, bên bị thiệt hại không có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại xảy ra là do lỗi của người gây thiệt hại. Điều này góp phần giảm nhẹ nghĩa vụ chứng minh của bên bị thiệt hại khi yêu cầu bồi thường thiệt hại (pháp luật tố tụng dân sự quy định người đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp). Có thể thấy tư tưởng lập pháp này rất tiến bộ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho bên bị thiệt hại.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc chứng minh không có lỗi trong việc gây thiệt hại không giải thoát người gây thiệt hại khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp bởi lẽ pháp luật có quy định một số trường hợp chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường kể cả khi không có lỗi, ví dụ như trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 601 BLDS 2015); bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường (Điều 602 BLDS 2015). Do đó, trong trường hợp người gây thiệt hại chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì sẽ không ảnh hưởng đến việc quy kết trách nhiệm bồi thường. Lúc này, người gây thiệt hại chỉ có thể được xem xét giảm mức bồi thường nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 585 BLDS 2015. Cụ thể, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Hình ảnh: Luật gia Huỳnh Thị Nam Hải trình bày tại Hội thảo Khoa học về "Hướng đến hoàn thiện BLTTDS 2015" ngày 12/6/2024 

Các đại biểu tập trung thảo luận, giải đáp các chủ đề về pháp luật về tố tụng dân sự...