Phản biện xã hội: Khó khăn trong việc xử lý tài sản gửi giữ bị bỏ quên

Khó khăn trong việc xử lý tài sản gửi giữ bị bỏ quên

(PLO)- Người gửi xe và giữ xe là quan hệ dân sự, song hiện nay tài sản “bỏ quên” cũng gặp nhiều khó khăn do quy định pháp luật và do ý thức tự bảo vệ mình của người giữ.

 
0:00/0:00
0:00

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: Xe gửi quá hạn tại các bến xe, sân bay tiếp tục tăng, liên quan đến vấn đề này, ThS Liên Đăng Phước Hải, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay việc xử lý các xe máy bị bỏ quên trong thời gian dài ở các bến, bãi gửi xe gặp nhiều khó khăn xuất phát từ các hạn chế trong quy định của pháp luật. Mặt khác cũng do ý thức tự bảo vệ mình của chủ các bến, bãi gửi xe khi nhận việc giữ xe.

Trông giữ xe là quan hệ dân sự

ThS Liên Đăng Phước Hải lý giải trước hết, phải hiểu quan hệ giữa người gửi xe và bên nhận giữ xe là quan hệ dân sự, cụ thể là hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự. Trong đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi có nghĩa vụ phải bảo quản và trả lại tài sản đó cho bên gửi khi hết hạn hợp đồng. Ngược lại, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ.

Do là quan hệ hợp đồng nên các quyền và nghĩa vụ sẽ do các bên thỏa thuận. Trong đó, bao gồm cả quyền xử lý đối với trường hợp bên gửi tài sản vi phạm nghĩa vụ như không lấy xe trong hạn, hoặc không thanh toán.

tài sản
Rất nhiều xe bị bỏ quên tại bến xe miền Tây. Ảnh: chụp ngày 28-3: NHƯ NGỌC

Thực tế diễn ra hiện nay cho thấy đa phần các hợp đồng gửi giữ xe hiện nay chỉ được xác lập dưới dạng hành vi. Phổ biến là bên gửi xe mang xe vào nơi giữ xe và bên nhận gửi xe đưa vé xe, thẻ xe cho người gửi làm bằng chứng. Vì không xác lập thỏa thuận bằng văn bản, do đó bên nhận giữ xe sẽ rất khó để chứng minh được các thỏa thuận về việc xử lý xe nếu bên gửi xe vi phạm nghĩa vụ.

Trong trường hợp không có thỏa thuận, để có thể xử lý, bên nhận gửi giữ xe phải tìm kiếm, xác định được người gửi xe. Sau đó, các bên có thể trao đổi để tìm ra phương án giải quyết. Trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận, bên giữ tài sản có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, giải pháp tố tụng sẽ tốn kém thời gian, công sức, chưa tính đến việc sẽ gặp các khó khăn trong việc tìm kiếm và xác định thông tin của người gửi xe để khởi kiện.

Thực tế, pháp luật cũng dự liệu và trao quyền của bên giữ tài sản trong việc bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản (khoản 4 Điều 558 Bộ luật Dân sự).

Tuy nhiên, bên gửi giữ cũng có nghĩa vụ phải chứng minh được tài sản có nguy cơ bị hư hỏng hoặc cần phải tiêu hủy, đồng thời phải thực hiện việc thông báo cho bên gửi xe. Ngoài ra, trình tự, thủ tục và giá bán như thế nào cũng không được hướng dẫn trên thực tế.

Trường hợp nếu không liên lạc, hoặc xác định được chủ sở hữu, bên giữ xe có thể thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và áp dụng các quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị người khác đánh rơi, bỏ quên trong Bộ luật Dân sự để giải quyết.

Quy định minh bạch về nội quy gửi giữ xe

Vì đây là quan hệ hợp đồng, do đó trước hết bên nhận giữ xe cần phải tự bảo vệ mình bằng các thỏa thuận minh bạch về việc xử lý đối với tài sản được giữ với các bên gửi xe. Cụ thể, bên nhận giữ xe cần phải quy định minh bạch về nội quy gửi giữ xe. Trong đó, cần nêu ra thời hạn giữ xe, cách thức xử lý đối với xe khi quá thời hạn quy định (như bán, xử lý). Các nội quy này cũng có thể được ghi nhận trong thẻ giữ xe để đảm bảo rằng bên giữ xe đã hiểu các quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, pháp luật một số quốc gia cho phép bên có quyền được xác lập quyền cầm giữ đối với các tài sản mà mình đang nắm giữ hợp pháp là đối tượng trong hợp đồng song vụ nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện.

Đồng thời, bên cầm giữ, trong nhiều trường hợp, còn được quyền xử lý tài sản cầm giữ (như có thể quy ra bằng tiền, hoặc bán đấu giá và nhận ưu tiên đền bù từ khoản tiền bán được) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của mình sau một thời hạn nhất định. Đây là hướng mà Việt Nam có thể tham khảo trong việc sửa đổi các quy định pháp luật.

Có thể quay video làm bằng chứng, rồi “giải quyết”

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đồng tình và cho rằng việc gửi giữ xe ở sân bay hay bến xe là quan hệ dân sự - hợp đồng gửi giữ tài sản thông qua phiếu giữ xe. Theo đó, bên giữ tài sản có quyền bán tài sản giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi.

Tuy nhiên, cần báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản. Nhìn nhận thực tế, việc trả lại chi phí cho bên gửi với tình trạng bỏ quên xe nhiều năm như hiện nay thì chi phí bán xe khó có thể bù đắp chi phí gửi xe, đặc biệt là khu vực sân bay bởi chi phí này rất lớn. Theo đó, một trong những giải pháp giải quyết phương tiện này là đơn vị giữ xe cần quay các xe “bỏ quên” lại để làm bằng chứng, lên phương án giải quyết phương tiện theo quy định và đây cũng là cách để tự bảo vệ mình.

Mặt khác, trong tương lai đơn vị trông giữ xe cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách nêu các thông tin trên thẻ vé như thời gian lấy xe, nếu hết thời hạn cần liên lạc để gia hạn gửi giữ. Trường hợp quá thời gian nêu trên, bên giữ xe có thể tiêu hủy, bán theo nội quy bên giữ đề ra.

ĐÀO TRANG

 

Nguồn: https://plo.vn/kho-khan-trong-viec-xu-ly-tai-san-gui-giu-bi-bo-quen-post784815.html