VỀ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Câu hỏi:

Trong thời gian qua hoạt động nhượng quyền thương mại diễn ra khá sôi nổi trên thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh ăn uống. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Hình thức này có giống với đại lý thương mại không? Và có phải ai cũng có thể  thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại?

Trả lời

Nhượng quyền thương mại là một trong số các hoạt động thương mại được quy định trong Luật thương mại 2005 (sửa đổi 2017, 2019). Đây là hoạt động thương mại được sự ưa chuộng của các nhà đầu tư, kinh doanh đứng từ cả hai phía bên nhượng quyền và bên nhận quyền.

Theo điều 284 Luật thương mại hiện hành thì Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện như việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Đồng thời,  bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Một số thương hiệu Việt Nam đã thực hiện nhượng quyền như cà phê Trung Nguyên, Phở 24…Và cũng rất nhiều thương hiệu nước ngoài đã thực hiện nhượng quyền thành công vào Việt Nam như KFC, Mc Donalds, Starbucks,…Qua đó ta có thể thấy, bên nhượng quyền là bên đã xây dựng được một thương hiệu mạnh và được kiểm nghiệm trên thị trường. Bằng việc cấp quyền thương mại, bên nhượng quyền không những phát triển hệ thống mạng lưới phân phối sản phẩm của mình một cách hiệu quả mà còn thu về một khoản phí theo thỏa thuận (phí nhượng quyền). Trong khi đó, bên nhận quyền lại có thể tự mình kinh doanh sản phẩm dịch vụ của mình dưới một thương hiệu đã được xây dựng và đặc biệt có thể sử dụng và tiếp cận các tài sản trí tuệ của bên nhượng quyền như nhãn hiệu hàng hoá, biểu tượng kinh doanh, hệ thống vận hành, chương trình đào tạo, danh sách khách hàng, công thức chế biến, bí quyết kinh doanh…(tuỳ thuộc vào điều khoản phạm vi quyền thương mại được nhượng quyền cũng như hình thức nhượng quyền trong hợp đồng). Để nhận được những đặc quyền đó thì bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền và chịu sự giám sát của bên nhượng quyền. Còn bên nhượng quyền phải có trách nhiệm tập huấn, hỗ trợ cho bên nhận quyền thực hiện được quyền thương mại đã thoả thuận. Hoạt động nhượng quyền này phải được xác lập bởi một hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Thoạt đầu chúng ta thấy rằng nhượng quyền thương mại gần giống với hoạt động đại lý vì đều được thực hiện giữa các thương nhân độc lập và hướng đến tìm kiếm lợi nhuận. Bên nhượng quyền và bên giao đại lý đều có thể tăng cường việc phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm của mình. Còn bên nhận quyền và bên đại lý đều nhân danh chính mình để thực hiện giao dịch với bên thứ ba. Tuy nhiên, theo điều 166 Luật thương mại hiện hành thì “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.” Hay nói cách khác, nếu bên nhận quyền điều hành, thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình thì bên đại lý đang bán hàng, mua hàng hay cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý. Hoạt động đại lý thiên về việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ trực tiếp từ bên giao đại lý, còn hoạt động nhượng quyền thương mại thiên về việc tổ chức điều hành kinh doanh gắn liền với các yếu tố mang tính thương hiệu của bên nhượng quyền thương mại. Thứ hai, thu nhập của bên nhận quyền có được từ hoạt động kinh doanh của chính mình thì thu nhập của bên đại lý được nhận từ thu lao do đã thực hiện một công việc cho bên giao đại lý. Thứ ba, trong quan hệ nhượng quyền, bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền do đã sử dụng quyền thương mại của bên nhượng quyền thì trong quan hê đại lý, bên giao đại lý phải thanh toán thù lao cho bên đại lý. Thứ tư, về trách nhiệm đối với sản phẩm thì bên nhận quyền phải tự chịu trách nhiệm với hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh; còn bên giao đại lý phải liên đới chịu trách nhiệm với bên đại lý trong một số trường hợp nhất định (theo khoản 5 điều 173 Luật thương mại). Như vậy, tùy theo nhu cầu và tình hình cụ thể mà các bên có thể quyết định tham gia vào một hợp đồng nhượng quyền thương mại hay hợp đồng đại lý thương mại.

Tuy nhiên không phải chủ thể nào cũng có thể thực hiện nhượng quyền hay nhận nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

Thứ nhất, để có thể tham gia vào một hợp đồng nhượng quyền thương mại thì các bên hợp đồng phải là thương nhân độc lập nghĩa là họ phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 điều 6 Luật thương mại và không có mối quan hệ phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện,…của nhau.

Thứ hai, theo điều 8 nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương thì Bên nhượng quyền chỉ được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.

Thứ ba, điều kiện đối với bên nhận quyền thì đơn giản hơn. Bởi lẽ điều 6,7 nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại đã bị bãi bỏ. Do đó, bên nhận quyền chỉ cần là một thương nhân. Ví dụ ông A muốn kinh doanh trà sữa thương hiệu X của công ty B thì ông A trước hết phải là một thương nhân. Ông A có thể thành lập một hộ kinh doanh hoặc thành lập một doanh nghiệp tư nhân, một công ty TNHH 1 thành viên do mình làm chủ hoặc góp vốn cùng với những người khác để mở một công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên,…

Lưu ý yêu cầu tất cả các chủ thể muốn nhượng quyền phải đăng ký nhượng quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã bị bãi bỏ. Cụ thể theo khoản 2 điều 3 nghị định 120/2011/NĐ-CP quy định các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền gồm: nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài. Như vậy, hiện tại, chỉ có trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam mới cần làm thủ tục đăng ký nhượng quyền trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đối với các trường hợp không phải đăng ký thì phải thực hiện thủ tục báo cáo với Sở Công Thương.

Luật gia, Giảng viên khoa Luật kinh tế,Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): Nguyễn Thị Phương Thảo