MỘT SỐ GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Thi hành án dân sự là một bước cực kỳ quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án. Tuy nhiên, Luật thi hành án dân sự hiện hành đã bộc lộ những điểm còn bất cập và việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo số 2 của Luật thi hành án dân sự cũng còn một vài điểm cần được xem xét và cân nhắc. Cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, Điều 2 quy định liệt kê các bản án, quyết định được thi hành theo luật thi hành án dân sự.  Tuy nhiên, Điểm h Khoản 1 Điều 2 quy định bổ sung thêm một loại quyết định nữa là quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án. Tuy nhiên, liệu ban soạn thảo có đang nhầm với quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án? Nhưng cho dù đó là quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án hoặc tại tòa án thì vẫn là một trong những bản án, quyết định thuộc điểm a khoản 1 điều 2. Do đó quy định tại điểm h khoản 1 điều 2 như trong dự thảo là không cần thiết.

 

Thứ hai, hiện nay trong dự thảo đang quy định về việc người được thi hành án có quyền tạm ứng chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành án tại Điểm o Khoản 1 Điều 7. Tuy nhiên, luật gia cho rằng nội dung này có thể được quy định là nghĩa vụ của người được thi hành án để đảm bảo bản án của họ được thực thi. Tuy nhiên, nếu quy định đây là nghĩa vụ thì cần cân nhắc quy định về mức tạm ứng cho phù hợp và nên phụ thuộc vào giá trị tài sản cưỡng chế để thi hành án. Đồng thời, cần có những ngoại lệ nếu quy định đây là nghĩa vụ của người được thi hành án bởi có những người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ như người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi…Đồng thời, phải quy định rõ là chi phí này chỉ là tạm ứng và sẽ được hoàn lại cho người được thi hành án sau khi thi hoàn thành việc thi hành án.

 

Thứ ba, về quy định mới tại Khoản 3 Điều 8 về những hành vi bị cấm. Luật gia rất ủng hộ việc bảo vệ chấp hành viên cũng như việc thi hành án. Tuy nhiên, quy định này nên được tách ra thành một quy định riêng về những hành vi bị cấm trong hoạt động thi hành án. Theo đó, những hành vi bị cấm không chỉ được quy định đối với người phải thi hành án mà có thể đối với cả người được thi hành án và các chủ thể khác có liên quan đến hoạt động thi hành án, thậm chí là đối với chính cơ quan thi hành án. Đồng thời, cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án tương ứng đối với các hành vi được liệt kê trong quy định trên của dự thảo.

 

Thứ tư, quy định mới tại Điều 74 về chi phí tổ chức thi hành án là thực sự cần thiết. Tuy nhiên cũng cần có một định nghĩa về chi phí tổ chức thi hành án, thay vì chỉ liệt kê như trong dự thảo. Theo đó, luật gia đề xuất quy định: “Chi phí tổ chức thi hành án là các chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án”. Việc làm rõ nội dung trên để đảm bảo các chi phí như thuê phiên dịch, dịch thuật hoặc chi phí giao tài sản là những chi phí thuộc giai đoạn thi hành án chứ không phải giai đoạn tố tụng.

 

Đồng thời, Điều 74 dự thảo quy định về chi phí tổ chức thi hành án bao gồm chi phí tố tụng là không phù hợp. Bởi chi phí trong quá trình tố tụng là chi phí không phát sinh trong quá trình thi hành án. Việc xác định chi phí tố tụng thuộc về ai cần được xác định bởi cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc được thỏa thuận bởi các đương sự. Dù tranh chấp phát sinh liên quan đến phân định trách nhiệm về chi phí tố tụng thì đây cũng không phải là chi phí thi hành án.  

Luật gia – Giảng viên – Trường đại học Kinh tế- Luật, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: ThS. Phan Thị Hương Giang