Hai bên thỏa thuận miệng về đặt cọc

Câu hỏi:

Hợp đồng đặt cọc có thỏa thuận “miệng” có giá trị pháp lý không?

Trả lời

Đối với câu hỏi này, Luật gia, ThS. Liên Đăng Phước Hải (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) xin giải đáp như sau:

Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được các bên sử dụng phổ biến trong thực tế do tính đơn giản của đặt cọc. Hiện nay, đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 328. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hiện nay, pháp luật không quy định về hình thức riêng biệt đối với hợp đồng đặt cọc. Do đó, các bên có thể thỏa thuận miệng về hợp đồng đặt cọc và khi tranh chấp xảy ra, Tòa án vẫn công nhận giao dịch đặt cọc nếu các bên có thể chứng minh được sự tồn tại của thỏa thuận này. 

Tuy nhiên, đối với hợp đồng đặt cọc bằng miệng khi xảy ra rủi ro có thể thấy là rất khó để chứng minh hợp đồng và các nội dung đã thỏa thuận của các bên.

Do đó, tốt nhất các bên nên lập hợp đồng đặt cọc bằng văn bản trong đó ghi rõ nội dung thỏa thuận của các bên. Trường hợp nếu các bên không lập thành văn bản thì nhớ ghi nhận lại giao dịch đã diễn ra giữa hai bên thông qua các phương tiện, cách thức như ghi âm, nhờ thừa phát lại lập vi bằng,….