NGUYÊN TẮC TÒA ÁN KHÔNG XÉT XỬ LẠI VỤ VIỆC ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT BỞI TRỌNG TÀI: NHÌN TỪ MỘT VỤ VIỆC THỰC TIỄN
Lê Nguyễn Gia Thiện*
Liên Đăng Phước Hải**
Bài viết được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Hướng đến Hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 do Chi hội Luật gia và Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) đồng tổ chức ngày 12/6/2024, kỷ yếu được xuất bản bởi NXB. ĐHQG TPHCM
Tóm tắt
Khi các bên cùng thống nhất ý chí về việc trao thẩm quyền xét xử cho Trọng tài thì khi phán quyết trọng tài được ban hành sẽ ràng buộc các bên. Không chỉ ràng buộc các bên về các quyền và nghĩa vụ mà việc phán quyết trọng tài được ban hành cũng đã ngăn cản khả năng một bên yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc đã được Trọng tài phán xử. Nếu Tòa án nhận được yêu cầu trong trường hợp này thì Tòa án phải từ chối thụ lý và trả lại đơn yêu cầu theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có Tòa án đã xét xử lại vụ việc đã được Trọng tài giải quyết, điều này là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và hệ quả là bản án sơ thẩm và cả bản án phúc thẩm đều bị hủy. Bài viết phân tích một vụ việc cụ thể dưới góc độ pháp luật tố tụng Việt Nam và học thuyết Res Judicata, qua đó đưa ra một số nhận xét và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật thực định và hoạt động xét xử của các tòa án Việt Nam.
Từ khóa: thẩm quyền, Trọng tài, Tòa án, Res Judicata.
1. Dẫn nhập
Tranh chấp thương mại là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường, nơi có sự hiện diện của nhiều chủ thể kinh doanh với những lợi ích khác nhau.[1] Chính sự sôi động và khốc liệt của thị trường đã làm các tranh chấp thương mại trở nên phổ biến và phức tạp.[2] Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án, Trọng tài thương mại là một thiết chế giải quyết tranh chấp thay thế nhận được sự quan tâm của các chủ thể hoạt động thương mại. Theo đó, khi có tranh chấp xảy ra, các bên cùng thống nhất ý chí về việc trao thẩm quyền xét xử cho Trọng tài thì khi phán quyết Trọng tài được ban hành, đây là phán quyết chung thẩm giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp và sẽ ràng buộc các bên.[3] Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi các bên nhận được phán quyết trọng tài, bên gánh chịu kết quả bất lợi theo phán quyết sẽ tiếp tục mang tranh chấp mang ra Tòa án để giải quyết nhằm tìm một kết quả tốt hơn cho mình.
Để giải quyết vấn đề này, pháp luật tố tụng dân sự của nhiều quốc gia được xây dựng dựa trên học thuyết “Res Judicata” nhằm mục đích tránh việc lạm dụng quyền tố tụng của các bên. Theo đó, một khi tranh chấp đã được giải quyết bởi một phán quyết có hiệu lực chung thẩm ràng buộc các bên, vấn đề pháp lý tương tự sẽ không được mang ra giải quyết giữa các bên, miễn là phán quyết không bị hủy bỏ.[4] Kể cả trong trường có xem xét, thẩm quyền xem xét phán quyết của Trọng tài của Tòa án cũng bị giới hạn; theo đó, về nguyên tắc, Tòa án không có quyền xét xử lại nội dung mà Trọng tài đã
giải quyết.[5]
Học thuyết Res Judicata được vận dụng trong luật tố tụng nhằm mang lại lợi ích chung cho xã hội và cá nhân, thông qua việc bảo đảm trật tự công (như giới hạn các vụ kiện kéo dài, giảm áp lực xét xử của Tòa án…), qua đó thúc đẩy bình yên và trật tự cho xã hội bằng việc tạo ra tính chắc chắn trong mối quan hệ giữa con người trong xã hội.[6] Tại Nhật Bản, học thuyết Res Judicata được ghi nhận trực tiếp tại Điều 114 (1) Bộ luật Tố tụng dân sự của Nhật Bản, theo đó, nguyên tắc sẽ được áp dụng đối với các phán quyết có hiệu lực ràng buộc các bên (lưu ý, pháp luật Nhật Bản công nhận phán quyết trọng tài có hiệu lực, giá trị tương đương với bản án của Tòa án[7], theo đó, phán quyết sẽ tự động được công nhận và trở nên ràng buộc mà không cần lệnh của Tòa án, trừ trường hợp rơi vào một trong các trường hợp từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài tại Điều 45 (1) và (2) Luật Trọng tài thương mại), như vậy, khi có phán quyết của Trọng tài về việc giải quyết tranh chấp, Tòa án phải từ chối giải quyết. Tại Pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự từng khẳng định: “từ khi được ban hành, phán quyết trọng tài có hiệu lực của việc đã xét xử liên quan đến tranh chấp mà Trọng tài giải quyết” (nay là Điều 1484). Quy định này được áp dụng “cho Tòa án Pháp”, tức họ phải tuyên bố không chấp nhận xem xét những yêu cầu đòi xét xử lại tranh chấp đã được giải quyết bằng con đường Trọng tài.[8] Tại Việt Nam, pháp luật tố tụng dân sự cũng có cách tiếp cận tương tự tại điểm c khoản 1 Điều 192. Theo đó, Tòa án khi nhận được yêu cầu phải xem xét từ chối việc thụ lý việc giải quyết, nếu xác định vụ việc đã được giải quyết bởi một bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tương tự cũng được áp dụng đối với Trọng tài.[9] Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, mà có thể dẫn đến việc tòa án tiếp tục xét xử một vụ kiện đã được Trọng tài xác định. Trong trường hợp này, vụ kiện sẽ được giải quyết như thế nào sẽ được phân tích cụ thể qua bản án ở phần sau.
2. Nội dung bản án
Theo nhận định tại Quyết định Giám đốc thẩm số 34/2022/DS-GĐT ngày 23/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất vô hiệu, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Minh T1 và bà Lê Thị Thanh T2 với bị đơn là ông Phạm Quốc G và bà Nguyễn Thụy Phương Q, cụ thể như sau:
[1] Nhà, đất tọa lạc tại đường M, phường N, thành phố X, tỉnh An Giang thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của ông Lê Minh T1 và bà Lê Thị Thanh T2 được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01945QSDĐ/Ad ngày 23/5/2001 và Ủy ban nhân dân thành phố X cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 5001031344 ngày 23/5/2002. Ngày 06/10/2016, ông T1 và bà T2 ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Phạm Quốc G và bà Nguyễn Thụy Phương Q. Hợp đồng được Văn phòng Công chứng L chứng nhận, theo số công chứng 1630, quyển số 14TP/CC-HĐGD ngày 06/10/2016. Ngày 16/01/2017, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh X chỉnh lý biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên cho ông G và bà Q.
[2] Ngày 27/02/2017, ông G, bà Q ký Hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 057170018-HDTD-TDH vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần S 1.500.000.000 đồng. Để đảm bảo cho khoản vay, ông G và bà Q ký Hợp đồng thế chấp số 057170018-HĐTC ngày 27/02/2017 được công chứng tại Văn phòng Công chứng L, thế chấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần S quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên, tài sản thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh X.
[3] Tại “Tờ thỏa thuận” ngày 03/10/2016 có nội dung: Ông T1, bà T2 đồng ý sang tên quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho ông G, bà Q đứng tên giùm để làm hồ sơ vay Ngân hàng số tiền 1.700.000.000 đồng cho ông T1, bà T2 sử dụng và trả lãi cho Ngân hàng; nếu ông T1, bà T2 không trả lãi cho Ngân hàng trong vòng 03 tháng thì ông G, bà Q được quyền bán tài sản trên để trả nợ Ngân hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm ông T1, bà T2 thừa nhận do ông G nói sẽ vay Ngân hàng được số tiền 1.700.000.000 đồng nên nhờ vợ chồng ông G vay giùm, việc ông G thế chấp tài sản cho Ngân hàng thì vợ chồng ông T1, bà T2 biết và đồng ý nhưng do ông G không thực hiện đúng thỏa thuận ngày 03/10/2016, ông G không giao tiền vay cho vợ chồng ông T1, bà T2 nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông T1, bà T2 với ông G, bà Q vô hiệu. Như vậy, việc ông T1, bà T2 thỏa thuận với ông G, bà Q vay tiền Ngân hàng là hoàn toàn tự nguyện, ông G, bà Q đã vay Ngân hàng 1.500.000.000 đồng và được sự đồng ý của ông T1, bà T2 thế chấp nhà đất tranh chấp. Do đó, trường hợp này cần xác định Ngân hàng là người thứ ba
ngay tình.
[4] Hơn nữa, hồ sơ vụ án thể hiện: Tại Phán quyết Trọng tài số 07/2019/PQTT-HĐTT. 19 ngày 28/9/2019 của Hội đồng Trọng tài Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam đã phán quyết: Nếu vợ chồng ông G không thanh toán được nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần S thì Ngân hàng được yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện phát mại tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở tại đường M, phường N, thành phố X, tỉnh An Giang để thu hồi nợ.
Như vậy, Hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 057170018-HDTD-TDH và Hợp đồng thế chấp số 057170018-HĐTC ngày 27/02/2017 đã được giải quyết bằng Phán quyết Trọng tài số 07/2019/PQTT-HĐTT. 19 ngày 28/9/2019 của Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam. Khi thụ lý và giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xem xét, giải quyết cả yêu cầu của nguyên đơn đối với Hợp đồng thế chấp tài sản, đồng thời Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định hủy Hợp đồng thế chấp tài sản là vi phạm nghiêm trọng quy định của tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại và điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng
dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 337, khoản 3 Điều 343 và Điều 345 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
1. Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 24/2022/KN-DS ngày 01/7/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
2. Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 596/2020/DS-PT ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 28/02/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về vụ án dân sự “Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất vô hiệu, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Minh T1, bà Lê Thị Thanh T2 với bị đơn là ông Phạm Quốc G, bà Nguyễn Thụy Phương Q và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan khác.
3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.[10]
3. Bình luận, phân tích về bản án
Phán quyết Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) số 34/2022/DS-GĐT ngày 23/9/2022 nêu trên là một trường hợp điển hình trên thực tế về việc Tòa án đã tiếp tục thụ lý xét xử vụ việc mà nội dung, theo đó đã được xét xử bởi Hội đồng Trọng tài (HĐTT). Điều này, theo HĐTP TANDTC nhận định là đã vi phạm nghiêm trọng “quy định của tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại và điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự.”.
Trước hết, điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam được xây dựng trên học thuyết Res Judicata, theo đó, một vấn đề pháp lý khi đã được giải quyết bởi Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, sẽ không được Tòa án xem xét giải quyết. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy nhiều trường hợp sau khi có phán quyết của HĐTT được ban hành, Tòa án vẫn tiến hành thụ lý giải quyết tranh chấp. Do vậy, việc mâu thuẫn trong nội dung xét xử giữa phán quyết Trọng tài và bản án của Tòa án là điều không tránh khỏi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên cũng như vi phạm nguyên tắc pháp lý “Non bis in idem” (tạm dịch là một việc không được xử hai lần). Trường hợp nêu trên là một ví dụ.
Trước hết, có sự khác nhau trong cách tiếp cận và giải quyết về nội dung giữa Tòa án các cấp và HĐTT. Cụ thể, về phía Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử theo hướng: (i) Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông T1, bà T2 với ông G, bà Q; (ii) Không chấp nhận yêu cầu Hủy phần thay đổi đăng ký QSDĐ; (iii) Không chấp nhận yêu cầu tuyên bố vô hiệu Hợp đồng thế chấp số 0570018-HĐTC ngày 27/02/2017 giữa bên thế chấp ông G, bà Q với bên nhận thế chấp Ngân hàng Thương mại cổ
phần S.
Tuy nhiên, đến cấp phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định trong Bản án dân sự phúc thẩm số 596/2020/DS-PT ngày 10/11/2020 theo hướng: (i) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông T1, bà T2 với ông G, bà Q (vì cho rằng lỗi do bị đơn không cung cấp được chứng từ giao nhận tiền chuyển nhượng, cấu trúc nhà thực tế và trên hợp đồng chuyển nhượng là khác nhau); (ii) Hợp đồng thế chấp số 0570018-HĐTC ngày 27/02/2017 giữa bên thế chấp ông G, bà Q với bên nhận thế chấp Ngân hàng Thương mại cổ phần S và hủy phần thay đổi đăng ký QSDĐ (nguyên nhân do ngân hàng S khi ký HĐTC tài sản cho vay tiền đã không tiến hành thẩm định tài sản bảo đảm theo quy định. Dẫn đến việc không xác định được nhà đất thế chấp của ai, ai là người trực tiếp quản lý sử dụng đất, nhà đất hiện hữu có phù hợp giấy tờ nhà đất không… Do không thực hiện đúng quy định của pháp luật nên về phía Ngân hàng khi cho vay không được xem là ngay tình, hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 và tại khoản 1 Phần II Văn bản số 64/TATC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thì: Mặc dù nhà đất ông G, bà Q đã thế chấp cho Ngân hàng và đã được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng do giao dịch này không ngay tình, không đúng quy định pháp luật nên bị vô hiệu…).[11]
Trước đó, ngày 30/5/2019, Ngân hàng S, nguyên đơn đã có đơn khởi kiện ông G, bà Q ra Trọng tài và yêu cầu Hội đồng Trọng tài buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng và xác định nguyên đơn có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp giữa hai bên. Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết: Nếu vợ chồng ông G không thanh toán được nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần S thì Ngân hàng được yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện phát mại tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở tại đường M, phường N, thành phố X, tỉnh An Giang để thu hồi nợ. Như vậy, mặc dù HĐTT không xác nhận hiệu lực của hợp đồng vay, tuy nhiên, chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng S trong việc xử lý tài sản bảo đảm (Phán quyết Trọng tài số 07/2019/PQTT-HDTT. 19). Chính điều này dẫn đến mâu thuẫn với nội dung của bản án phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao TP. HCM xét xử sau đó (theo đó, Tòa án đã xét xử tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng S và ông G, bà Q).
Để giải quyết điều này, theo lập luận của HĐTP TANDTC, Hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 057170018-HDTDTDH và Hợp đồng thế chấp số 057170018- HĐTC ngày 27/02/2017 đã được giải quyết bằng Phán quyết Trọng tài số 07/2019/PQTT-HĐTT. 19 ngày 28/9/2019 của Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam. Khi thụ lý và giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xem xét, giải quyết cả yêu cầu của nguyên đơn đối với Hợp đồng thế chấp tài sản, đồng thời Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định hủy Hợp đồng thế chấp tài sản là vi phạm nghiêm trọng quy định của tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại và điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong tố tụng, về nguyên tắc, một trong những bước Tòa án phải tiến hành đầu tiên để xác định vụ án dân sự có đủ điều kiện để thụ lý hay không từ đó mới có thể tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo.[12] Trong trường hợp này, việc HĐTP TANDTC đã xác định do hợp đồng tín dụng và HĐTC đã được HĐTT giải quyết, do đó, việc xem xét giải quyết yêu cầu của nguyên đơn mà không xem xét đến phán quyết Trọng tài trước đó của Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, đây là lý do khiến cho Bản án tòa án sơ thẩm và phúc thẩm bị hủy để xét xử lại.[13] Đây là nhận định hợp lý và phù hợp với pháp luật tố tụng và trọng tài hiện hành. Bởi lẽ:
Thứ nhất, dưới góc độ pháp luật tố tụng dân sự. Theo đó, để tránh trường hợp một việc được xét xử nhiều lần. Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm c khoản 1 Điều 192 có quy định về việc tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, bao gồm:
“c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;”.
Như vậy, tại Điều 192, Điều 217 BLTTDS 2015, để hạn chế sự xung đột thẩm quyền cũng như những phán quyết khác nhau đối với cùng một sự việc, Tòa án, khi thụ lý yêu cầu, cần phải trả lại đơn khởi kiện nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lưu ý, mặc dù Điều 192 nêu trên chỉ quy định về “bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và không đề cập đến phán quyết của HĐTT, tuy nhiên, theo một tác giả, “mặc dù HĐTT không được xem là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn có thể áp dụng tương tự hướng trong các quy định trên cho Trọng tài một khi quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật”.[14]
Thứ hai, dưới góc độ pháp luật về Trọng tài thương mại. Theo đó, việc từ chối giải quyết của Tòa án sẽ dựa trên những căn cứ sau:
Một là, phán quyết Trọng tài mang tính chung thẩm. Theo Điều 4, Điều 61 Luật Trọng tài thương mại (TTTM), phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm, do đó có giá trị ràng buộc các bên. Trường hợp nếu tòa án chấp nhận việc giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng “trùng tố”, theo đó, hai cơ quan tài phán cùng ra phán quyết về một vấn đề, dẫn đến việc xung đột.
Đồng thời, khoản 1 Điều 69 Luật TTTM 2010 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết Trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định... thì có quyền làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”. Do đó, về nguyên tắc, nếu không có căn cứ hủy, thì phán quyết trọng tài sẽ có giá trị ràng buộc các bên cần được thi hành.
Hai là, pháp luật quy định Tòa án chỉ có thẩm quyền xem xét lại phán quyết (hủy bỏ) của Tòa án trong một số trường hợp nhất định. Thật vậy, để phát triển thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, cần giới hạn việc phán quyết trọng tài bị hủy hay bị yêu cầu hủy vô căn cứ.[15] Pháp luật TTTM hiện nay quy định, Tòa án có quyền xem xét lại các nội dung bao gồm: sai thẩm quyền; sai về trình tự thủ tục hoặc (và) phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.[16]
Như vậy, Tòa án về cơ bản không thể xem xét lại nội dung của vụ tranh chấp đã được Trọng tài giải quyết, điều này cũng được thể hiện rõ trong luật thành văn, cụ thể: khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại, “4. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng Trọng tài đã giải quyết. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, nếu có, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số”.[17]
Ba là, căn cứ Điều 6 của Luật TTTM. Theo đó, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận Trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được.
Như vậy, về mặt pháp luật, dù luật không có quy định trực tiếp trong văn bản, nhưng khung pháp lý hiện nay về việc Tòa án phải từ chối vụ việc đã được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài là tương đối rõ. Vì vậy, đáng lẽ ra, nếu Tòa án các cấp trong vụ án nêu trên, nếu xác định được sự việc đã được giải quyết bằng phán quyết của HĐTT thì tùy vào từng trường hợp mà tòa án sẽ có hướng giải quyết như sau:
Trường hợp vào thời điểm nộp đơn khởi kiện đến trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, nếu xác định vụ việc thuộc trường hợp trên thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, tức không thụ lý vụ án dân sự để giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015).
Trường hợp nếu Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của mình nhưng sau đó mới phát hiện thuộc trường hợp này thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015).
Như vậy, trừ trường hợp ngoại lệ theo Điều 192, hậu quả pháp lý cuối cùng của trường hợp trên là Tòa án không giải quyết yêu cầu của đương sự và người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp (khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015).[18]
Từ bản án nêu trên, để tránh trường hợp này, khi xem xét vụ việc, Tòa án cần yêu cầu các bên, đương sự giao nộp thêm các chứng cứ có liên quan đến vụ án. Nếu xác định đã được giải quyết bởi Luật TTTM thì cần xem xét và đình chỉ vụ án theo khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015. Đây là một hướng tiếp cận tiến bộ cần được phát huy, bởi lẽ, theo một học giả: “cơ sở pháp lý cho việc Tòa án từ chối giải quyết tranh chấp đã được Trọng tài giải quyết vẫn chưa thực sự rõ nét trong văn bản về tố tụng dân sự tại Tòa án cũng như trong pháp luật trọng tài”.[19] Do đó, hướng xử lý này là tương thích với các quy định pháp luật hiện hành, do vậy, bản án có thể cân nhắc làm án lệ cho các vụ án về sau.
Có thể thấy, trong vụ án nêu trên, mặc dù việc phán quyết được ban hành bởi HĐTT có nội dung không giống với lập luận của Tòa án trong cùng một vấn đề, song, khi xem xét, HĐTP TANDTC đã không đặt vấn đề nội dung của tranh chấp ra để giải quyết, mà theo đó, căn cứ vào việc đã được giải quyết bởi HĐTT từ đó tuyên bố hủy Phán quyết của TAPT và TADSST. Hướng phân tích của Tòa án nêu trên là thuyết phục, phù hợp với khoản 4 Điều 71 Luật TTTM 2010, do đó, cần được duy trì trong những hoàn cảnh tương tự.
Mở rộng vấn đề, có thể thấy việc xung đột trong việc xét xử vấn đề đã được giải quyết bởi HĐTT một phần xuất phát từ việc thiếu cơ chế người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong tố tụng trọng tài, đồng thời, bên thứ ba khác có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi phán quyết cũng chưa có cơ chế để có thể yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể, một trong những vấn đề gây ra sự “thiếu sót” và “sai phạm” của Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm có lẽ phát sinh từ việc không xem xét qua về phán quyết của HĐTT. Trước hết, các bên trong tranh chấp được Trọng tài giải quyết bằng phán quyết của Trọng tài là Ngân hàng S (một bên) và bên còn lại là ông G, bà Q (nếu có) thì đều không yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài. Riêng đối với ông T1, bà T2 trong tình huống trên nếu muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì cần phải yêu cầu tòa án hủy phán quyết Trọng tài. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên nhân do ông T1, bà T2 không phải là một bên trong phán quyết trọng tài, căn cứ theo pháp luật hiện nay thì ông T1 và bà T2 không thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nêu trên. Cụ thể, khoản 1 Điều 69 Luật TTTM 2010 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết Trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định... thì có quyền làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”. Giả sử trong trường hợp này, nếu HĐTT công nhận hợp đồng thế chấp là trái pháp luật dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông T1 và bà T2 bị xâm phạm theo nội dung bản án phúc thẩm đã tuyên, trường hợp này, nếu không có cơ chế xem xét lại phán quyết trọng tài dường như là chưa phù hợp, theo một tác giả, “điều này là không hợp lý, vô hình trung tạo kẽ hở cho những giao dịch trái pháp luật vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan”.[20]
Như vậy, đối với bên thứ ba có quyền, nghĩa vụ liên quan đối với thủ tục tố tụng trọng tài, pháp luật Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ, chưa xây dựng một cơ chế tố tụng thích hợp cho đối tượng này nên đã dẫn đến phát sinh vướng mắc.[21] Do đó, thiết nghĩ, pháp luật cần hoàn thiện thêm quy định về người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong TTTT. Ngoài ra, nếu trường hợp nếu xác định nội dung phán quyết có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, cần thông báo cho các bên có liên quan biết, để thực hiện thủ tục kháng cáo./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Đặng Thanh Hoa, Diệp Huyền Thảo, Trần Thị Thu Hằng (2022), “Hậu quả pháp lý khi phán quyết của TTTM mâu thuẫn với bản án của tòa án”, Tạp chí Kiểm Sát, số 9/2022;
2. Nguyễn Thị Vân Anh, Đoàn Trung Kiên (2020), “Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại ở Việt Nam”, Tạp chí Nghề luật, số 06/2020;
3. Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật trọng tài thương mại – Bản án và bình luận bản án – (tập 1), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật;
4. Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật rrọng tài thương mại – Bản án và bình luận bản án – (tập 2), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật;
5. Nguyễn Thị Hoa (2021), “Hoàn thiện pháp luật Trọng tài ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12(436);
6. Vũ Thị Bích Hải, Đinh Thu Thủy (2021), “Bàn về xác định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng dân sự”, Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, https://vksndtc.gov.vn/cong-tac-kiem-sat/ban-ve-xac-dinh-su-viec-da-duoc-giai-quyet-bang-ba-d10-t9524.html (truy cập ngày 27/3/2023);
Tiếng nước ngoài
7. Robert von Moschzisker (1929), “Res Judicata”, The Yale Law Journal, Vol. 38, No. 3