XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ​

1. Cách xác định mức phạt tiền đối với các vi phạm hành chính là như thế nào? Cho ví dụ cụ thể

Theo Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Ví dụ: theo điểm e Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Giả sử ông Nguyễn Văn A thực hiện hành vi vượt đèn đỏ khi đi xe máy tham gia giao thông sẽ bị phạt 900.000 đồng nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, nếu có tình tiết giảm nhẹ mức phạt thấp nhất sẽ là 800.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng mức phạt cao nhất cũng không quá 1.000.000 đồng.

2. Ngoài phạt tiền, chủ thể thực hiện vi phạm hành chính còn phải chịu những hậu quả pháp lý gì? Cho ví dụ cụ thể

Ngoài phạt tiền, tùy theo hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực cụ thể, chủ thể thực hiện vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất) hoặc bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn…)

Ví dụ: theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành tín hiệu đèn giao thông ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng – 3 tháng.

3. Làm sao để tiếp cận các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính một cách dễ dàng nhất để không vi phạm pháp luật?

Hiện nay, các quy định về xử lý vi phạm hành chính được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau bao gồm cả Luật và các Nghị định xử phạt theo từng lĩnh vực nhất định. Vì vậy, để tiếp cận các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính một cách dễ dàng và tránh vi phạm pháp luật, bạn có thể thực hiện các cách sau:

- Tìm hiểu văn bản pháp luật chính thức: Truy cập vào các cổng thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trang web của Bộ Tư pháp, hoặc Cổng thông tin Pháp luật để tra cứu các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Sử dụng ứng dụng tra cứu pháp luật: Hiện nay có nhiều ứng dụng và website cung cấp dịch vụ tra cứu pháp luật miễn phí như “Thư viện pháp luật”, đây là nơi bạn có thể tìm kiếm các quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính một cách nhanh chóng.

- Tham gia các khóa đào tạo, hội thảo: Nhiều tổ chức, trường đại học, hoặc các cơ quan pháp luật tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về các quy định pháp luật, trong đó có các quy định về vi phạm hành chính. Đây là cơ hội để bạn nắm bắt nhanh và chính xác các quy định mới nhất.

- Tư vấn pháp lý: Trong trường hợp bạn cần hướng dẫn chi tiết và chính xác, việc tìm đến các luật sư, luật gia hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy định cụ thể và cách thức áp dụng vào tình huống thực tế.

- Theo dõi các kênh truyền thông pháp lý: Các chương trình truyền hình, báo chí, và diễn đàn pháp luật trên mạng xã hội cũng là nguồn thông tin hữu ích, giúp bạn cập nhật những quy định mới và nhận biết các hành vi dễ dẫn đến vi phạm.

 Luật gia- Giảng viên khoa Luật, trường Đại học Kinh tế- Luật, Đại học quốc gia TP.HCM: Trần Thị Lệ Thu