Đề xuất bổ sung lưu trữ tư từ dẫn chứng lưu trữ tài liệu đại dịch COVID-19

Sáng 12-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), hội thảo đã nhận được 15 ý kiến đóng góp từ đại diện các đơn vị, cơ quan chuyên môn TP.

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chủ trì hội thảo.  Ảnh: HỒNG THẮM

Góp ý tại hội thảo, ông Trương Đức Thành - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực IV cho rằng hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao giữa lưu trữ hiện đại và lưu trữ truyền thống.

Từ lưu trữ tài liệu giấy, lưu trữ file, chữ ký sống... được chuyển qua kho lưu trữ, kho xây dựng, lưu trữ đám mây, chữ ký số, số hóa tài liệu cùng rất nhiều hình thức khác.

"Chính sự chuyển giao dẫn đến một số điều khoản trong Luật Lưu trữ hiện hành chưa được đồng bộ. Do đó, về lâu dài các đơn vị chuyên môn nên ứng dụng công nghệ vào việc lưu trữ" - ông Thành nhận định.

Ông Trương Đức Thành, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực IV đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: HỒNG THẮM

Theo ông Thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin đồng nghĩa với việc truy cập kho lấy tài liệu sẽ dựa trên mật khẩu, mã số và lấy từ đám mây điện tử. Khi đó phòng chống thiên tai, hỏa hoạn sẽ được thay thế bằng phòng chống tin tặc, virus.

Tùy vào sự phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin mà mỗi đơn vị có cách lưu trữ khác nhau, có nơi lưu trữ số, có nơi lại lưu trữ giấy. Do đó, ông Thành kiến nghị các đơn vị tính toán để đồng bộ các điều luật giữa lưu trữ truyền thống và lưu trữ hiện đại.

Liên quan đến lưu trữ điện tử, đại diện đến từ Chi hội Luật gia, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng cần làm rõ định nghĩa thế nào là "mất", "làm mất" đối với tài liệu số.

"Hai thuật ngữ trên dễ xác nhận với tài liệu thông thường, tuy nhiên với tài liệu điện tử thì rất khó xác nhận là mất dưới dạng nào và trách nhiệm thuộc về ai" - vị này cho hay.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhất trí việc bổ sung nội dung mới về lưu trữ tư vào dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định về tài liệu lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ.

Theo đó, việc lưu trữ tư sẽ được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thu hút nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động lưu trữ, qua đó bảo đảm, phát huy tốt hơn giá trị của tài liệu lưu trữ tư.

Bàn về vấn đề lưu trữ tư, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng hiện có nhiều tổ chức thực hiện lưu trữ tư với mục đích rất nhân văn, có ý nghĩa cần được tạo điều kiện phát triển.

"Đơn cử như trường hợp lưu trữ tài liệu liên quan đến đại dịch COVID-19 của một số tổ chức tư nhân nhằm làm tài liệu ứng xử nếu không may xảy ra đại dịch tương tự trong tương lai" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân dẫn chứng và cho rằng đây là một trong số các trường hợp lưu trữ tư cần được Luật tạo điều kiện phát triển.

Nguồn: https://plo.vn/de-xuat-bo-sung-luu-tru-tu-tu-dan-chung-luu-tru-tai-lieu-dai-dich-covid-19-post785181.html